Quang cảnh hội nghị.
Hiện, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 188 sản phẩm OCOP được xếp hạng cấp thành phố, 240 vùng sản xuất tập trung, 26 cơ sở sản xuất nông sản an toàn được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 30 cơ sở thực hiện được truy xuất nguồn gốc. Để nâng tầm giá trị sản phẩm, hiện nay 60 doanh nghiệp, HTX có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Các doanh nghiệp, HTX xây dựng 49 chuỗi liên kết nông sản an toàn, sản phẩm OCOP. Các ngành chức năng cấp 59 giấy xác nhận mã số vùng trồng nội địa với tổng diện tích 413 ha tại 7 huyện. Các xã: Chính Mỹ, Liên Khê (Thủy Nguyên); Tây Hưng (Tiên Lãng)... được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số vùng trồng đối với sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Đại diện các đơn vị ký kết hợp đồng bao tiêu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Tại hội nghị, các đại biểu đại diện doanh nghiệp, HTX, chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP trao đổi thông tin liên quan đến câu chuyện sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu cho nông sản an toàn, sản phẩm OCOP, giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn và sản phẩm OCOP cần tạo môi trường thuận lợi và bền vững các chuỗi giá trị nông sản của từng địa phương, phát triển các sản phẩm chủ lực có khả năng cạnh tranh, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ xúc tiến thương mại đưa sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch điện tử; chú trọng kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản... Đại diện các cơ quan chức năng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ... trực tiếp giải đáp các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm...
Nhân dịp này, đại diện các siêu thị trên địa bàn thành phố ký kết hợp đồng nguyên tắc với các doanh nghiệp, HTX, chủ thể sản xuất nông sản an toàn, sản phẩm OCOP./.